Liên tiếp trong cuối tháng 9 và đầu tháng 10, những lô hàng xi măng chất lượng cao mang thương hiệu xi măng Tân Thắng đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Úc và Trung Quốc. Đây được coi là một điểm sáng trong bối cảnh ngành xi măng trong nước gặp khó, nhu cầu xây dựng trên toàn thế giới bị đình trệ do tác động của đại dịch Covid-19. Phía sau đó là hành trình của xi măng Tân Thắng, được tạo ra bằng tâm huyết và khát vọng nâng tầm thương hiệu xi măng Việt Nam với tiêu chí “Tạo khác biệt – Dựng niềm tin”.
Tạo khác biệt trong sản phẩm
Điểm đặc biệt trong số các đơn hàng của Tân Thắng lần này là xuất lô xi măng bền sulfate đáp ứng cao tiêu chuẩn ASTM C150 (type II) sang thị trường Mỹ. Tân Thắng là một trong những đơn vị hiếm hoi tại Việt Nam có khả năng sản xuất xi măng bền sulfate, bởi so với xi măng thường, xi măng bền sunfat có nhiều ưu điểm hơn nhờ được phát triển cường độ cao, có khả năng chống lại sự ăn mòn. Đây là loại xi măng chuyên sử dụng trong các công trình công nghệ cao như công trình dưới biển, hải đảo, khu vực ngập mặt hay nhiệt điện. “Xi măng Tân Thắng lựa chọn cho mình phân khúc cao cấp, sản xuất ra những sản phẩm đặc biệt, chất lượng cao mà nhiều nhà máy trong nước chưa làm được”, ông Đặng Thành Chung – Giám đốc Kinh doanh của Xi măng Tân Thắng chia sẻ.
Bên cạnh việc tạo ra sản phẩm chất lượng cao, ổn định, các hoạt động vận tải của xi măng Tân Thắng cũng đáp ứng được năng suất bán hàng, đảm bảo giao nhận ổn định trong mọi điều kiện thời tiết.
Sử dụng công nghệ tiên tiến nhất
Không chỉ phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, xi măng Tân Thắng đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường quốc tế khi chủ động đón đầu cuộc “Cách mạng công nghệ 4.0” trong sản xuất xi măng. Toàn bộ hoạt động trong nhà máy đều được trang bị các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất nhập khẩu từ EU và G7 như: cào rải đá vôi của Bedeschi (Italia); lò nung hai bệ của FLSmidth (Đan Mạch); nghiền xi của Loesche (Đức); đóng bao của Haver & Boecker (Đức); hệ thống điện của ABB (Thụy Sỹ)… Các thiết bị mang lại năng suất và độ chính xác cao, vận hành ổn định, giúp duy trì và không ngừng nâng cấp chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, tiêu hao điện chỉ khoảng 95 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker. Đây là các chỉ tiêu tiêu hao thấp nhất trong toàn ngành xi măng hiện nay.
Có thể khẳng định, công nghệ tiên tiến bậc nhất chính là bệ đỡ giúp Tân Thắng tạo ra những thành công bước đầu, đồng thời là chìa khóa cho hành trình phát triển bền vững, thân thiện vớimôi trường.
Tiên phong phát triển bền vững gắn liền với sản xuất xanh
Việc ứng dụng công nghệ ở mức độ cao không chỉ giúp Tân Thắng tạo ra những sản phẩm chất lượng, mà còn đảm bảo an toàn môi trường, tiêu chí mà hầu hết các nhà máy sản xuất công nghiệp ngày nay hướng tới. Tân Thắng luôn thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của hệ thống quản lý: Tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và Tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001:2015.
Toàn bộ bụi phát sinh trong quá trình sản xuất được xử lý bằng công nghệ lọc bụi túi kết hợp lọc bụi tĩnh điện và được kiểm soát bằng các thiết bị giám sát, quan trắc môi trường để đảm bảo nồng độ bụi đầu ra luôn nhỏ hơn 30mg/Nm. Bởi thế, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không nhìn thấy khói hoặc bụi thoát ra từ các ống khói ngay cả khi nhà máy đang vận hành với công suất tối đa. “Ống khói không có khói” trở thành điểm nhận diện riêng và là niềm tự hào của dự án xi măng “đặc biệt” này tại mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Nguồn: An An (http://tapchivatlieuxaydung.vn/)