Khủng hoảng thừa, mất cân đối cung cầu trầm trọng, DN gặp khó khăn là bức tranh khái quát nhất về thị trường xi măng hiện nay. Hướng đi nào cho ngành Xi măng trong bối cảnh hiện nay?
Khủng hoảng thừa, tiêu thụ nội địa giảm
Mất cân đối cung cầu ngành Xi măng diễn ra nhiều năm, nhưng năm 2023 tình hình càng trầm trọng. Nói như lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), năm 2023 là năm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành Xi măng Việt Nam. Vì sao tiêu thụ xi măng lại khó khăn như vậy? Theo số liệu ước tính mới nhất của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%, tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân tiêu thụ nội địa giảm do cầu giảm, thị trường BĐS đóng băng, đầu tư công giảm nhẹ so cùng kỳ; trong khi công suất thiết kế tăng, hiện tổng công suất toàn ngành đạt 120 triệu tấn; ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp năng suất tăng, công suất toàn ngành lên đến 130 triệu tấn/năm. Ước tính cả năm nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt 65 triệu tấn, so với tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.
Xuất khẩu khó khăn đủ đường
Một nửa xi măng dư thừa này sẽ đi đâu? Trong những năm qua, xuất khẩu là cách giải quyết tình thế, DN lựa chọn để giải quyết nguồn xi măng dư thừa. Nhưng 6 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu cũng khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.
Là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (ước tính khoảng 65% lượng xi măng, clinker xuất khẩu) nhưng từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sang Trung Quốc khá ảm đạm, do thị trường BĐS nước này chưa hồi phục hoàn toàn. Xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc trong quý I/2023 chỉ đạt gần 11,4 triệu USD, giảm 95% so với cùng kỳ.
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam là Philippines. Nhưng đất nước này công bố áp thuế chống bán phá giá tạm thời với xi măng Việt Nam, khiến xuất khẩu sang thị trường này không dễ dàng.
Ngoài tìm cách xuất khẩu sang các thị truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Banglades; các DN xi măng tích cực tìm kiếm thị trường mới. Hiện nhiều DN tìm cách xuất khẩu xi măng, clinker sang thị trường châu Mỹ. Nhưng lượng xuất khẩu sang thị trường này chưa nhiều. Còn xuất khẩu xi măng sang châu Âu như “bước vào cửa khó”, bởi dự kiến từ tháng 10/2023, 27 quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Từ năm 2026, EU sẽ đánh thuế carbon lên sắt thép, xi măng, phân bón. Nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong xi măng, clinker, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” theo mức giá carbon hiện nay tại EU. Buộc nhà sản xuất xi măng phải giảm lượng phát thải đạt chuẩn, theo yêu cầu của EU. Như vậy, về lâu dài, đây là thị trường “khó tính”, các DN xi măng Việt Nam không dễ đặt chân đến thị trường này, nếu không chuyển đổi sản xuất xanh.
Đặc biệt, từ 01/01/2023, thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP, nhằm hạn chế xuất khẩu sản phẩm dùng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu và tài nguyên không tái tạo. Thuế xuất khẩu tăng nhưng giá clinker xuất khẩu không tăng, khiến khó khăn DN càng thêm chồng chất.
Càng chạy lò càng lỗ
Nếu trước đây, các DN đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất, tăng thời gian chạy lò để gia tăng lợi nhuận thì thời điểm càng chạy lò tăng năng suất càng lỗ, lượng clinker đổ thải ra bãi càng nhiều, chất lượng giảm, chi phí logistic tăng. Xi măng là mặt hàng đặc thù, thời hạn sử dụng khoảng 60 ngày, không thể để lâu, nên không thể sản xuất rồi cất kho. Thực tế từ cuối năm 2022 đến nay, nhiều nhà máy xi măng đã phải dừng lò, có nhà máy 2 lò, phải dừng 1 lò; nhà máy 3 lò dừng 2 lò, còn 1 lò hoạt động…
DN xi măng đang gánh áp lực cực lớn, đó là cầu xi măng giảm, giá bán giảm nhưng giá điện, than và giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng, hoặc đang ở mức cao, khiến hiệu quả sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng.
Ngày 27/4/2023, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Như vậy, mỗi kWh tăng thêm gần 56 đồng, tương đương tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành. Thời gian áp dụng từ 04/5/2023.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, giá điện chiếm 35% chi phí sản xuất. Giá điện tăng, kéo theo giá thành sản xuất tăng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.
Riêng lĩnh vực xi măng, chi phí điện chiếm 14 – 15% trên giá vốn hàng bán, trừ những nhà máy lớn sử dụng lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9 – 10% giá vốn hàng bán. Ước tính, chi phí điện tăng 3% làm giá vốn hàng bán tăng thêm, tổng lợi nhuận trước thuế của ngành Xi măng giảm 13%, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN.
“Lối thoát” nào cho ngành Xi măng?
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều DN loay hoay, xoay xở. Có nhà máy xi măng công suất nhỏ, phải đóng cửa vĩnh viễn; có DN chọn giải pháp tạm thời dừng lò, đóng cửa nhà máy, cho công nhân nghỉ việc; DN lớn thì “khỏe hơn”, lựa chọn giải pháp sản xuất cầm chừng, duy trì chạy 1 hoặc 2 lò.
Trong điều hành sản xuất kinh doanh, ngoài tiết kiệm, tiết giảm chi phí, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng chất thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng cần được đẩy mạnh và mong các cấp ngành tháo gỡ khó khăn về thủ tục triển khai và vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tận dụng nhiệt thừa để phát điện cũng được DN đẩy mạnh, tuy nhiên, khó khăn về vốn và yêu cầu phải bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực địa phương cũng là rào cản, cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp ngành và chính quyền địa phương.
Đại diện lãnh đạo Hiệp hội Xi măng cho rằng, để giải quyết khó khăn, phải tìm mọi cách để mở rộng thị trường tiêu thụ xi măng trong nước. Cụ thể, cần tăng cường xây dựng nhà ở, nhà công nghiệp, đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Tích cực sử dụng xi măng trong xây dựng đường giao thông, cầu cạn… Hiện xi măng trong nước đã dư thừa, Nhà nước cũng cần hỗ trợ xuất khẩu bằng cách giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker.
Nguồn: Báo Xây dựng